Với các nghệ sĩ sắp đặt, đây là dịp thể nghiệm những tìm tòi của mình trên chất liệu gốm Thanh Hà, là cuộc hội ngộ đầy hào hứng để góp tiếng nói hòa điệu cùng không gian mở của Công viên Đất nung và nghệ nhân làng gốm Thanh Hà.
Lấy cảm hứng từ hạt lúa giống như một ẩn dụ về mầm sống, về sự sinh sôi, tác giả Bùi Hải Sơn bày tác phẩm “Lúa trời” như những hạt giống được gieo từ trời xuống, gợi cho người xem nhiều liên tưởng đa nghĩa. Quá khứ, hiện tại và cả tương lai đều nằm trong hạt giống, nhưng hạt giống của sự sống có sinh sôi nảy nở hay không còn tùy thuộc vào môi trường và cách thế con người xử sự và tương tác với hạt giống…
“Phố” của Nguyễn Hoài Huyền Vũ là sự tiếp nối mạch suy tư về con người và không gian sống trên chất liệu gốm Thanh Hà
Qua hình ảnh con người như đang bị mắc kẹt trong những căn nhà hình hộp ngột ngạt, khép kín, tác giả như muốn nhắc nhở chúng ta hãy mở rộng lòng mình ra với thiên nhiên với con người…
Người xem còn có thể cảm nhận nhiều thông điệp phong phú và sâu sắc của các tác giả khác như: “Di sản” của Hoàng Tường Minh, “Nhớ Biển” của Uyên Huy, “Tỏa sáng” của Mai Quốc Khánh, “Di cư” của Phan Nhất Phương, “Giử lửa” của Trần Việt Hưng, “Rượu và ly” của Vũ Hà Nam, “Của để dành” của Nguyễn Thành Tuệ, “Nguồn sống” của Nguyễn Chí Thanh, “Quê tôi” của Lê Nhật Thanh.
Không gian mở của Công viên Đất nung Thanh Hà giờ đây không chỉ ánh lên màu đất nung mộc mạc, đơn sơ dưới nắng trời, mà đã thật sự lấp lánh những ý tưởng sáng tạo của các nghệ sĩ đến từ nhiều vùng miền, tạo được sự kết nối không chỉ giữa không gian bên trong và bên ngoài, giữa không gian Công viên và không gian văn hóa làng nghề, mà còn góp phần kết nối giữa con người và con người từ tiếng nói của chất liệu đất nung.
Cám ơn các nghệ sĩ đã đang và sẽ tiếp tục giúp cho người xem nhìn ra những nét đẹp lấp lánh trong cuộc sống quanh ta!