Về bảo tàng đất nung Thanh Hà, ta được nhìn ngắm những hũ, niêu, bàn chuốt, quang gánh, lồng đèn, tò he…, nghe hồn gốm chuyện trò trên những bức phù điêu tái hiện sinh động lịch sử lập làng và cuộc sống đầy màu sắc của người dân làng Gốm Thanh Hà
Phù điêu 1: Những ngày lập làng lập ấp
Lịch sử thường là một chọn lựa có tính quyết định thành bại nhưng cũng không loại trừ những cơ may hay ngẫu nhiên kỳ thú. Dừng chân tại Thanh Hà là một ngẫu nhiên hay là một chọn lựa?
Truyền thuyết ghi lại, lại vào thế kỷ XVI, người Thanh Hóa- Nghệ An đã Nam tiến bằng đường thủy và thuyền của họ đã gặp bão nên ghé “Cồn Động”(một trong 13 ấp của xã Thanh Hà) khuất gió để neo thuyền lại. Sông nước hữu tình, thủy lộ hai đường đều tiện lợi, những cha ông của các tộc đã không cần đi tiếp nữa và cắm cọc chọn nơi nầy làm quê hương.
Phù điêu 2: Thanh Hà giữa hai di sản Hội An và Mỹ Sơn
Làng gốm Thanh Hà Nằm giữa hai di sản Hội An và Mỹ Sơn, bên dòng sông Thu Bồn – con đường kết nối Nhà nước Champa và Cảng Thị xưa
Làng Thanh Hà xưa nổi tiếng với nghề gốm, gạch ngói. Đặc biệt là những viên ngói âm dương độc đáo mà bạn vẫn có thể bắt gặp trên nhiều mái nhà ở phố cổ Hội An
Thanh Hà ở phía Tây và Kim Bồng ở phía Đông. Đông – Tây hai mặt, hai cánh tay đã góp phần xây dựng và kiến tạo lại Phố cổ. Kiến trúc nhà, chạm trổ…do một tay Kim Bồng, trong khi vật liệu (gạch, ngói âm dương, đồ gốm và mỹ thuật) lại do Thanh
Phù điêu 3 : Lễ hội, phong tục tín ngưỡng làng gốm Thanh Hà
Lễ hội, đền miếu, phong tục, tín ngưỡng, tất cả bày biện ra những nếp gấp văn hóa của cộng đồng cư dân Thanh Hà, đồng thời chính là vùng tâm linh sâu thẳm vùng đất, của mỗi một con người nơi đây
Đầu thế kỷ XIX, ông tổ dời lò về ấp Nam Diêu (Lò gốm ở phía Nam) nơi tổ tiên cho xây dựng đền thờ ông Tổ nghề gốm, hàng năm dân làng tổ chức tế lễ và tồn tại cho đến ngày nay. Lễ giỗ tổ nghề gốm ở Thanh Hà được tổ chức hằng năm vào ngày 10.7 âm lịch không chỉ là một nghi thức tín ngưỡng để tưởng nhớ tổ tiên và các bậc tiền bối có công lập làng, lập nghề mà còn mang ý nghĩa thực tế như một “lễ đóng lò.” Vì từ tháng 7 âm lịch, vùng Thanh Hà thường chịu ảnh hưởng của lũ lụt, nên đây là thời điểm người dân tạm ngừng sản xuất để bảo vệ làng và chuẩn bị cho mùa lũ sắp đến
Dưới triều Gia Long (1802-1820), các đại biểu của dòng họ đã có thỉnh nguyện lên triều đình xin lập đình làng để thờ Thành Hoàng và các vị tiền hiền có công mở đất. Triều đình đã chuẩn y và ban “Bát tôn tiền hiền”. Đó là các tộc Nguyễn Viết, Nguyễn Văn, Bùi, Ngụy, Võ, Nguyễn Kim, Lê, Nguyễn Đức…Bát tôn tiền hiền hiện nay vẫn được thờ chung ở các đình, miếu, đền của Thanh Hà như là một ghi nhận công ơn tổ tiên đã lập nghiệp.
Hằng năm, vào ngày mồng 10 tháng Giêng 9 (tế Xuân) và mồng 10 tháng 7 âm lịch (tế Thu), thợ gốm ở làng Thanh Hà (Hội An) tổ chức lễ cúng Tổ nghề tại Khu miếu Tổ Nam Diêu với nghi thức trang trọng. Đây là dịp để bày tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với tổ tiên đã khai sinh và phát triển nghề gốm, đồng thời cầu mong cho một năm làm ăn thuận lợi, sức khỏe và an lành cho cộng đồng.
Lễ cúng Tổ nghề ở Thanh Hà bao gồm các nghi thức tế lễ truyền thống, trong đó có phối tế Trời Đất, Thành Hoàng, Sở Âm Linh, Ngũ Hành, Sơn Tinh Nhị Vị và Thái Giám Bạch Mã. Đặc biệt, trong lễ tế xuân vào mồng 10 tháng Giêng, có nghi thức Tống Long Chu – tục thả thuyền rồng bằng tre và giấy xuống sông Thu Bồn để trừ tà, xua đuổi những điều không may mắn và cầu an cho cả làng.
Dòng sông 4 : Quy trình sản xuất gốm truyền thống làng Thanh Hà
Làng Thanh Hà nằm giáp sông Thu Bồn, nơi có nguồn đất sét lớn nên được tiền nhân chọn làm nơi phát triển làng gốm. Đất sét được lấy từ ven bờ sông, đi qua một vòng quy trình làm gốm trong làng, sản phẩm gốm lại trở về với dòng sông, và theo thuyền của buôn lái đến khắp mọi nơi
Phụ nữ là người mẹ sinh thành đứa con- sản phẩm gốm bằng đôi tay của mình còn nam giới lại phụ trách nung chín thành sản phẩm hoàn chỉnh trong lò nung như người cha đổ công sức tháng ngày. Phải chăng, vì phụ nữ là mẹ đẽ của hình hài gốm nên gốm thường thắt đáy, miệng gốm thường có hình tròn (âm) thay vì hình vuông (dương)?
Ngày 27.8.2019, nghề gốm Thanh Hà được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phù điêu 5 : Nối nghiệp gìn giữ nghề
Nghề gốm Thanh Hà đã trải qua nhiều thăng trầm cùng với sự biến động của bối cảnh lịch sử, xã hội và kinh tế nhưng người dân trong làng vẫn quyết tâm bám trụ giữ nghề và phát triển cho đến ngày nay. Đó cũng chính là một phần nhờ vào công lao các bậc cao nhân làng gốm, “những người đi tìm hồn của đất”, đã miệt mài truyền ngọn lữa giữ làng, khơi lửa dậy từ tro than âm ỉ ngay cả trong giai đoạn khốn khó nhất của nghề gốm Thanh Hà và truyền tình yêu gốm nhiệt thành cho lớp lớp cháu con nối nghiệp giữ gìn và phát huy cơ nghiệp ông cha.
Bà Nguyễn thị Được- Huyền thoại làng gốm
Cụ bà Nguyễn Thị Được với gần 80 năm gắn bó với đất sét, bàn chuốt, lò nung là thợ gốm giàu kinh nghiệm nhất làng và được xem là “huyền thoại làng gốm”. Bà đã cống hiến cả cuộc đời mình cho làng gốm Thanh Hà. Với bàn tay tài hoa của mình, bà luôn là thợ lành nghề trong hơn 75 năm làm gốm. Bà đã dồn hết tâm huyết truyền kỹ thuật chuốt gốm và truyền cảm hứng cho con cháu của mình bằng cả trái tim góp phần thắp lên ngọn lửa mạnh mẽ lâu dài cho sự trường tồn của làng gốm Thanh Hà. Ngày khánh thành, Công viên Đất Nung Thanh Hà vinh dự được bà chuốt chiếc bùng binh đầu tiên- biểu tượng may mắn của làng
Lò nung trong làng
Làng gốm Thanh Hà chỉ xây dựng hai loại lò truyền thống: Lò ngửa và lò úp. Một lò ngửa mặt lên trời, một lò mặt úp xuống đất trong khái niệm âm dương của văn hóa Đông Phương. Lò ngửa lửa thẳng từ dưới lên đốt bằng than và củi, sử dụng cho sản phẩm là vật liệu xây dựng. Lò úp lửa đảo, từ trên cuộn xuống, nung bằng củi, sử dụng cho các sản phẩm gia dụng
Các sản phẩm truyền thống làng gốm Thanh Hà
Từ mái ngói âm dương rêu phong, từ những chiếc lồng đèn gốm hắt ánh sáng huyền ảo lung linh hắt bóng đến những con tò he ngộ nghĩnh, những hủ nồi niêu …phơi mắt khoe dáng… Tất cả là sản phẩm của Thanh Hà. Sách Đại Nam nhất thống chí – Quốc sử quán triều Nguyễn xuất bản- cũng đã ghi danh nghề gốm Thanh Hà trong phần thổ sản Quảng Nam. Theo truyền thuyết, một số nghệ nhân Thanh Hà đã được mời ra Triều Đình Huế để làm việc.
Hầu hết, đồ gốm Thanh Hà được sản xuất theo lối thủ công, việc tạo dáng đều làm bằng tay trên bàn xoay, không phủ men. Gốm Thanh Hà láng, có độ bền cao, nhẹ, gõ lên nghe âm vang rất trong.
Một số sản phẩm gốm điển hình của làng Thanh Hà: hũ, nồi, âu, thạp, cối, ấm, siêu, vại , trả, om, bùng binh…
CÁC DI TÍCH TÍN NGƯỠNG CÓ GIÁ TRỊ ĐẶC BIỆT
- Đình làng Xuân Mỹ xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII, được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1993.
- Khu miếu Tổ nghề gốm Nam Diêu là nơi trung tâm thực hiện nghi lễ tín ngưỡng của cư dân cả ấp Nam Diêu, được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2008, gồm có các miếu Thái Giám xây năm 1843, Miếu Tổ nghề xây năm 1866, miếu Âm Linh xây năm 1898, miếu Sơn Tinh. Trong khu vực miếu Tổ, cư dân thờ chủ thần Tổ nghề, thần Thành Hoàng là vị chủ thần của ấp – xóm, kết hợp thờ các vị thần bảo hộ liên quan đến làng xóm và nghề nghiệp là Thái Giám Bạch Mã, Ngũ Hành Tiên Nương, Thổ Thần, Sơn Tinh Nhị Vị và thờ các vị Tiền Hiền, Âm Linh.
- Miếu ấp Bộc Thủy của làng Thanh Hà xưa, di tích được đưa vào danh sách các di tích được ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam bảo vệ theo quyết định 1353/QĐ - UB, ngày 15/8/2007.
- Miếu Nghĩa Tự
NHÀ THỜ HỌ TỘC
NHÀ Ở
Về kiến trúc nhà ở có những di tích có giá trị phản ánh sự phát triển của nghề gốm như di tích Nhà ông Lê Bàn là nhà vườn, ba gian, được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX bởi một lái buôn gốm giàu có trong làng gốm lúc bấy giờ là ông Lê Từ. Ngôi nhà vườn có giá trị kiến trúc đặc trưng, tiêu biểu cho loại hình nhà ở nông thôn thế kỷ XIX. Ngoài ra vào giữa thế kỷ XX, ở Làng gốm Thanh Hà có nhiều hộ làm gạch trở nên khá giả đã xây dựng nhiều nhà ở một tầng có mặt tiền mang kiểu dáng Pháp nhưng vẫn bảo tồn mái ngói âm dương.